Hùng biện chính trị Hùng_biện

Dù đối đầu nhau, nhưng Winston ChurchillAdolf Hitler đều là những nhà hùng biện có sức thuyết phục mãnh liệt.

Một trong những chìa khóa dẫn đến thành công trong sự nghiệp chính trị của các chính khách là biết sử dụng thuật hùng biện. Marcus Antonius (83 TCN – 30 TCN), một tướng lĩnh và chính khách La Mã, đã đọc một trong những bài diễn văn đáng nhớ nhất trong lịch sử, được đưa vào vở kịch Julius Caesar của Shakespeare; Shakespeare đã sử dụng lời hiệu triệu của Antonius "Các bạn hữu, cư dân thành La Mã, và toàn thể đồng bào, xin hãy lắng nghe tôi".

Các chính khách đương đại từ hai phía đối nghịch nhau như Franklin D. Roosevelt, Winston Churchill, Joseph Stalin, Adolf Hitler, Joseph Goebbels, Benito Mussolini, và Francisco Franco đều tỏ ra thành thục khi sử dụng thuật hùng biện để gây hiệu ứng trong công luận và đã thành công trong nỗ lực lôi kéo cả thế giới tham gia Chiến tranh thế giới thứ hai. Gần đây, Bill ClintonFidel Castro được xem là những chính trị gia có kỹ năng ngang hàng với những nhân vật kể trên trong thuật hùng biện.

Tài hùng biện là một sự kết hợp giữa khả năng thiên bẩm và sự rèn luyện để thông hiểu ngôn ngữ, nắm vững kiến thức chuyên môn và kiến thức tổng quát về triết học, luận lý học, cũng như khả năng kiến tạo một bố cục chặt chẽ và thuyết phục để trình bày quan điểm của mình.

Theo Oliver Goldsmith, "Thuật hùng biện chân chính không có nghĩa là trình bày những điều vĩ đại theo phong cách hoành tráng, nhưng là nói về chúng cách đơn giản và dễ hiểu; nói chính xác, không hề có phong cách hoành tráng, bởi vì sự hoành tráng ẩn giấu ngay trong chính sự việc cần trình bày; và nếu không được như thế, thì chỉ còn là những lời huênh hoang, sáo rỗng mà không có tác dụng gì cả." (Về Thuật Hùng biện, 1759).